Nội dung bài viết
Bác sĩ Vũ Thái Hà, Trưởng khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc (Bệnh viện Da liễu Trung ương) cho biết, bình quân mỗi tháng BV tiếp nhận từ 3 – 4 bệnh nhân sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, trôi nổi, mỹ phẩm bán trên mạng… dẫn đến hậu quả không mong muốn.
Tiền mất, tật mang
Đó là trường hợp của chị Trần Thị H. (42 tuổi, ở Hà Nội) mới đến BV Da liễu Trung ương thăm khám và được các bác sĩ (BS) tiến hành phẫu thuật thẩm mỹ.
Theo chia sẻ của BS Vũ Thái Hà, vừa qua, khoa Nghiên cứu và ứng dụng công nghệ tế bào gốc đã tiếp nhận và điều trị cho một bệnh nhân sử dụng kem trộn làm trắng da khiến toàn bộ phần da mặt bị bong, tróc.
BS Hà cho biết, theo thông tin ban đầu từ bệnh nhân, chị đã sử dụng kem trộn (mua qua mạng) suốt 1 năm qua với hi vọng cải thiện làn da. Trong thời gian sử dụng mỹ phẩm, làn da bệnh nhân trắng và sáng trông thấy.
XEM THÊM : ĐIỀU TRA: Sự thật đáng sợ trong “thế giới kem trộn”
“Theo bệnh nhân, sau khoảng 3 tháng không dùng nữa, da mặt của chị này có biểu hiện phồng rộp, tăng sắc tố da. Thay vì trắng mịn, thì mỗi ngày lại trở nên sần sùi, mẩn đỏ rất khó chịu. Với trường hợp này chúng tôi xác định bệnh nhân bị tăng sắc tố da do sử dụng kem không rõ nguồn gốc. Do bệnh nhân đã ngừng sử dụng sản phẩm nên chúng tôi không xác định được sản phẩm đó gồm những thành phần gì”.
Theo BS Hà, trong 6 tháng điều trị, nữ bệnh nhân có giảm độ sần sùi nhưng chỉ cải thiện được khoảng 35- 40% da mặt. Số tiền điều trị cũng khá tốn kém, khoảng 100 triệu cho nhiều lần làm các xét nghiệm, các phẫu thuật thẩm mỹ. Hiện tại bệnh nhân vẫn tiếp tục được chỉ định điều trị để cải thiện làn da mặt.
Đến Spa trị nám rồi không dám về quê
Cũng theo chia sẻ của BS Vũ Thái Hà, một trường hợp khác là chị Đinh Thị V. (25 tuổi, quê ở Nghệ An) đến BV “cầu cứu” các BS với bộ mặt sưng húp, biến dạng.
“Bệnh nhân cho biết, thông qua các trang quảng cáo chữa nám bằng thuốc, kem, rồi công nghệ chiếu tia, tôi đều thử hết nhưng không đỡ. Rồi qua mạng, tôi tìm đến một cơ sở làm đẹp trị nám. Chỉ sau một vài lần bôi trát, khuôn mặt tôi bỏng rát, sưng đỏ rồi thành vẩy thế này. Cũng vì thế mà tôi không dám về quê nữa”.
Theo BS Hà, để xử lý lại khuôn mặt cho bệnh nhân trên, các BS đã thăm khám lâm sàng tìm ra nguyên nhân và đưa ra hướng điều trị.
“Phải mất hơn 1 tháng điều trị liên tục, chị V. mới hết sưng, bỏng rát và bong hết vẩy. Tiếp theo, chị V. cần đi lại điều trị 6 tháng để khuôn mặt được trở về gần bình thường”, BS Hà chia sẻ.
Dùng mỹ phẩm trôi nổi dễ lĩnh hậu quả
BS Vũ Thái Hà khuyến cáo, nếu sử dụng mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, thành phần sẽ gây ra những nguy cơ khôn lường cho sức khỏe người dùng. Bởi hầu hết chúng đều chứa chất độc hại với tỷ lệ cao hơn mức cho phép nhiều lần. Bệnh nhân dễ bị kích ứng, dị ứng và rất dễ bị lĩnh hậu quả khôn lường.
“Một số sản phẩm chứa felon hoặc corticoid nếu sử dụng lâu dài rất dễ viêm da, teo da. Thậm chí, đáng lẽ chữa sạm da, trẻ hóa da thì lại càng bị sạm nặng, thậm chí khô nám, sần ngứa, nhiễm trùng da, xuất hiện nhanh các dấu hiệu lão hóa, thậm chí, bị ung thư da, dẫn đến tiền mất tật mang“, BS Hà chia sẻ.
BS Hà giải thích thêm: “Sản phẩm có chứa corticod dễ mang cho da có vẻ trắng mịn, nhưng lại gây giãn mạch, nám da, thậm chí có thể gây ung thư da nếu sử dụng lâu ngày. Hậu quả là việc điều trị phải mất rất nhiều thời gian mà khả năng phục hồi thấp, chỉ khoảng 20 – 30%”.
“Trước khi dùng một loại mỹ phẩm nào đó, nhất là lần đầu tiên, nên thử phản ứng bằng cách bôi vào một vùng da nhạy cảm ở tay, đùi, nếu sau khoảng 24 giờ mà không thấy phản ứng gì thì sử dụng tiếp. Khi có biểu hiện bất thường: Mẩn ngứa, sưng nề, tấy đỏ, nổi mụn, mề đay, khó thở… cần ngưng sử dụng ngay và đi khám ở bác sĩ chuyên khoa để được tư vấn, điều trị. Người có cơ địa dị ứng càng cần phải thận trọng khi lựa chọn và sử dụng mỹ phẩm”, BS Vũ Thái Hà cho hay.
Trước đó, ngày 18/10 Đội QLTT số 6 (Chi cục QLTT Hà Nội) đã kiểm tra Công ty TNHH Thiên nhiên TS Việt Nam (TS Naturat) địa chỉ lô 18, Khu hành chính mới phường Hà Cầu (quận Hà Đông, Hà Nội), lực lượng chức năng phát hiện hàng chục nghìn sản phẩm thuộc 10 dòng sản phẩm thực phẩm chức năng, mỹ phẩm mang tính chất thực phẩm chức năng nhãn hiệu Korea, New Zealand, không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc, tem, nhãn sản phẩm theo quy định.
Một số sản phẩm mang thương hiệu và địa chỉ của Công ty TNHH TS Việt Nam nhưng không có giấy tờ công bố chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm…
Đại diện của Đội Quản lý thị trường số 6 cho biết, việc sản phẩm của công ty không đầy đủ giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, công bố chất lượng sản phẩm, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm đã gây khó khăn cho lực lượng chức năng trong việc xác định những sản phẩm này là mỹ phẩm hay thực phẩm chức năng; vi phạm đến quyền lợi người tiêu dùng khi mua, sử dụng sản phẩm.
Ngày 14/11, trao đổi với PV, ông Hoàng Đại Nghĩa – Đội trưởng Dội QLTT số 6 cho hay, để thực hiện kế hoạch trên, lực lượng QLTT đã mất khoảng 3 tháng phối hợp với các cơ quan chức năng.
Theo ông Nghĩa, hiện nay vẫn còn rất nhiều vấn đề phải bàn về công tác quản lý bán hàng qua mạng, bởi luật pháp tuy có quy định rõ ràng nhưng vẫn còn nhiều bất cập.
“Khách hàng ở quận Nam Từ Liêm có phản ánh về chất lượng sản phẩm, nhưng người bán hàng thì ở quận khác. Điều đó sẽ gây ra nhiều khó khăn cho công tác quản lý, chúng tôi phải phối hợp với các đơn vị khác…”, ông Nghĩa nói.
Ông Nghĩa cũng cho biết thêm, toàn bộ hồ sơ liên quan đến Công ty TNHH TS Việt Nam đã được đơn vị chuyển sang cơ quan CSĐT Công an thành phố Hà Nội tiếp tục thụ lý theo thẩm quyền.
Theo Trí Thức Trẻ
Hà Nội: Phát hiện kem trộn “bẩn” trong bánh Tân Hoàng Gia
Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Tân Hoàng Gia (xóm Hoa Thám, xã La Phù), vừa bị đoàn kiểm tra phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm.
Ngày 16/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cùng đoàn kiểm tra liên ngành An toàn thực phẩm thành phố Hà Nội đã đến kiểm tra an toàn thực phẩm tại một số cơ sở sản xuất bánh kẹo, bánh trung thu trên địa bàn xã La Phù, huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Tại Công ty cổ phần chế biến thực phẩm Tân Hoàng Gia (xóm Hoa Thám, xã La Phù), đoàn kiểm tra đã phát hiện nhiều vi phạm về an toàn thực phẩm tại cơ sở này như: người chế biến không đeo găng tay, khẩu trang; khu vực đóng gói không đảm bảo an toàn thực phẩm; sản phẩm kem trộn trong bánh Tân Hoàng Gia không đảm bảo an toàn thực phẩm.
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu đoàn thanh tra lập biên bản xử lý các sai phạm tại cơ sở Tân Hoàng Gia; thu hồi, tiêu hủy toàn bộ số kem trộn không đảm bảo an toàn thực phẩm, đồng thời yêu cầu UBND xã La Phù đẩy mạnh thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở sản xuất bánh kẹo trên địa bàn, nhất là các cơ sở sản xuất bánh trung thu trong dịp này.
Ngoài cơ sở trên, đoàn cũng kiểm tra tại 2 cơ sở sản xuất bánh trung thu Ngọc Khánh và Toàn Vinh. Hai cơ sở này đều xuất trình được đầy đủ hồ sơ pháp lý về an toàn thực phẩm; nguồn nguyên liệu có xuất xứ rõ ràng. Tuy nhiên, tại cơ sở Ngọc Khánh, một số phụ gia thực phẩm xuất xứ Trung Quốc không tem phụ theo quy định. Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long yêu cầu Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế kiểm tra ngược những chất phụ gia này.
Hà Nội đã bắt đầu vào vụ sản xuất bánh trung thu, để phòng tránh các vụ ngộ độc thực phẩm và bệnh đường ruột xảy ra do bánh không đảm bảo chất lượng, Cục An toàn thực phẩm đã có công văn đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh, kiểm tra liên ngành đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu các loại sản phẩm bánh, kẹo phục vụ Tết Trung thu, tập trung thanh, kiểm tra nguồn gốc nguyên liệu, phụ gia thực phẩm, quy định vệ sinh cá nhân người trực tiếp sản xuất; vệ sinh cơ sở nơi bảo quản, bày bán bánh, nguồn gốc xuất xứ bánh, hồ sơ công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm, quy định ghi nhãn sản phẩm.
Cục An toàn thực phẩm cũng yêu cầu trong quá trình thanh tra, kiểm tra kết hợp lấy mẫu kiểm nghiệm sản phẩm theo quy định, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định để người dân biết.